Giới thiệu cuốn sách: “Giữ yên giấc ngủ của Người”


 

 

 

"Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".

 

( Trích điếu văn của  Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ Tịch ngày 9/9/1969)

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

     Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thể theo ý nguyện rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, khi Người qua đời, Đảng và Nhà nước đã ra quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người.

Để bảo vệ tuyệt đối an toàn và giữ gìn trọn vẹn thi hài Bác trong điều kiện ở một đất nước khí hậu nhiệt đới và chiến tranh đang diễn ra gay go, ác liệt, một bộ phận cán bộ và chiến sĩ quân đội và nhân dân ta đã trải qua hơn sáu năm trời vất vả, làm việc quên mình trên mặt trận thầm lặng này và họ đã lập nên những thành tích đặc biệt.

Cùng với những công việc bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác, việc xây dựng Lăng của Người trên Quảng trường Ba Đình lịch sử cũng là một thành tựu đặc biệt của quân và dân ta. Từ thiết kế đến thi công trong những điều kiện có nhiều khó khăn về vật chất và cuộc chiến đấu đang còn tiếp diễn, nhưng cả nước đã chung sức, chung lòng, góp công góp của để hoàn thành sớm việc xây dựng Lăng Bác - một công trình vĩnh cửu, vừa hiện đại, trang nghiêm, vừa mang màu sắc dân tộc. Đó là tấm lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính dâng lên Bác.

Cuốn ký sự "Giữ yên giấc ngủ của Người" góp phần nói lên tấm lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đối với Bác, đồng thời cũng thể hiện rõ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô trong việc bảo vệ, giữ gìn mãi mãi thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người. Nhân dân ta vô cùng quý trọng và biết ơn sâu sắc sự giúp đỡ to lớn và quý báu đó.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi thấy cuốn sách này là một món quà rất quý gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước.

                                                                                   ĐỖ MƯỜI

 

 

 

 

CHƯƠNG I: NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI CÙNG CỦA BÁC

 

 

Hiếm thấy trong lịch sử có con người nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh của Người trong từng hơi thở của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận mỗi người dân trong từng ý nghĩ của Người. "Bác Hồ", đó là tên gọi trìu mến nhất, thiêng liêng nhất mà cả dân tộc đã dành để gọi vị lãnh tụ kính yêu của mình. Bác giản dị và gần gũi. Không có khoảng cách nào giữa một người dân bình thường với lãnh tụ lại được rút ngắn lại như vậy. Từ lâu Bác đã trở thành một lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước. Người là một cá nhân, nhưng Người cũng đã trở thành tất cả.

Đã có biết bao nhiêu người anh hùng trước giờ phút hy sinh đã hô lớn "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!", "Bác Hồ muôn năm!". Lời hô giản dị và thiết tha ấy trước kẻ thù trên nhiều pháp trường đã vang lên như một lời thề, thể hiện khí phách "tận trung với nước, tận hiếu với dân" của người chiến sĩ cách mạng. Đó cũng là niềm mong mỏi da diết, là lời cầu chúc của người chiến sĩ cách mạng đối với sức khoẻ của Bác. Người sắp hy sinh cầu chúc cho Bác mãi mãi mạnh khoẻ, sống lâu, người sống cũng luôn khao khát Bác trường sinh cùng với dân tộc, với đất nước.

Nhưng sức khoẻ của bác lại hoàn toàn ngoài ý muốn của toàn Đảng, toàn dân ta. Vào giữa những năm của thập kỷ sáu mươi. Cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất. Nửa triệu quân Mỹ đã đổ bộ ồ ạt vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ tàn khốc nhất trong lịch sử. Tin tức về những người dân vô tội bị giết hại, những làng mạc trù phú ở miền Nam bị tàn phá đã trở thành nỗi đau nhức nhối thường xuyên của Bác…

CHƯƠNG 2: ĐƠN VỊ ĐẶC BIỆT, NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT.

 

 

 

Ngày 2 tháng 9 năm 1967, chiếc xe Skô-da của Tổng cục Đường sắt, chở một tổ y tế lặng lẽ rời Hà Nội. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều, thành phố đã lên đèn, nhưng những dòng người đầu đội mũ rơm, vai mang súng vẫn qua lại náo nhệt trên đường phố. Xen lẫn trong dòng người là những đoàn xe kéo pháo, xe chở hàng phủ bạt kín mít, đầy bụi đường, ùn tắc lại ở lối rẽ xuống cầu phao bắc ngang sông Hồng để lên phía Bắc.

Đó là gia đoạn quyết liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Bị thất bại nhục nhã sau hai mùa khô phản công chiến lược, Giôn-xơn điên cuồng tung thêm những đơn vị tinh nhuệ nhất vào chiến trường miền Nam và tăng cường đánh phá miền bắc. Những phi đội AD.6, F.105, F.4 từ Cò-rạt, gây tang tóc cho các làng mạc, thành phố trên miền Bắc. Còi báo động của Thủ đô chốc chốc lại rú lên cùng với giọng người phát thanh viên báo tin máy bay địch đang vào Hà Nội. Tiếp đấy hoặc là tiếng súng cao xạ nổ ran ở ngoại ô, hoặc là một khoảnh khắc im lặng, căng thẳng cho đến khi giọng người phát thanh viên trầm tĩnh vang lên báo tin máy bay địch đã đi xa…

Trong những ngày ấy, ngoài Bộ Chính trị và tổ y tế, không mấy ai biết được sức khoẻ của bác đang mỗi ngày một suy giảm. Ngay từ những năm 1966, sau chuyến đi thăm đồng bào tỉnh Thái Bình trở về, bác đã bị liệt nhẹ nửa người bên trái, đi lại đã phải chống gậy. Được sự chăm sóc tận tình của các bác sỹ, kết hợp với sự rèn luyện phi thường của Bác, sức khoẻ Bác dần dần hồi phục nhưng đó cũng là dấu hiệu đầu tiên, báo hiệu sự thiếu ổn định trong cơ thể Người.

……………………….

 

 

CHƯƠNG III: NHỮNG NƠI BÁC YÊN NGHỈ

 

1. Quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 là một quyết định chính xác của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Nhưng di chuyển bằng cách nào, bằng phương tiện gì là điều Ban chỉ đạo còn phải cân nhắc. Ở Liên Xô và Bun-ga-ri, thi hài Lê-nin và Đi-mi-tơ-rốp thường xuyên nằm ở trạng thái tĩnh tại, nên bạn cũng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hơn nữa, các yêu cầu trong công tác di chuyển được các chuyên gia Liên Xô đặt ra hết sức nghiêm ngặt. Ngoài lĩnh vực y-sinh-hoá, trong quá trình hành quân còn phải bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm theo quy định. Thiếu hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giữ gìn thi hài. Ngoài ra, khi di chuyển phải tuyệt đối chống rung xóc. Trong khi đó, con đường di chuyển lại gập ghềnh, đầy ổ gà, nhiều đoạn đường, nhiều cây cầu bị hư hại nặng cần phải được sửa chữa.

Sau nhiều cuộc họp, Ban chỉ đạo đã thận trọng cân nhắc cả ba phương án hành quân: Đường không, đường thuỷ và đường bộ. Đường không có ưu điểm nhanh, an toàn, K84 lại sẵn có sân bay trực thăng nhưng không thể chống rung xóc vì độ rung của máy bay trực thăng rất lớn. Đường thuỷ có thể chống được rung xóc nhưng thời gian lại kéo dài quá, ảnh hưởng đến quy trình làm thuốc. Cuối cùng Ban chỉ đạo quyết định chọn phương án đường bộ. Đường bộ có nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy có thể khắc phục được.

Sau khi đã xác định được phương án hành quân bằng đường bộ, Ban chỉ đạo tập trung vào việc bàn cách khắc phục những hạn chế của phương án này. Thứ nhất, về bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm, Ban chỉ đạo quyết định dùng nước đá thay cho máy điều hoà nhiệt độ. Trước đây, khi đón Bác từ Phủ Chủ tịch về 75A và đưa Bác từ 75A ra Hội trường Ba Đình, tổ y tế đặc biệt cũng đã dùng nước đá và đã bảo đảm tốt nhiệt độ, độ ẩm. Dĩ nhiên hồi đó đường đi gần hơn nên vấn đề nhiệt độ, độ ẩm đặt ra không gay gắt như lần di chuyển này. Thứ hai là làm thế nào để chống rung xóc. Muốn chống rung xóc phải khắc phục hai yếu tố xe và đường….

CHƯƠNG IV: CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

 

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc xây dựng Lăng đã trở thành một vấn đề bức xúc. Đồng bào và chiến sỹ cả nước đều mong muốn có một nơi an nghỉ của Bác thể hiện được phần nào công lao và sự nghiệp vĩ đại của Người,...

Ngay sau ngày tổ chức chu đáo và hết sức trọng thể lễ tang Bác, "Ban phụ trách quy hoạch A"… đã nghiên cứu quy hoạch chung về việc giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người.

Trong phiên họp sáng ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định:

I. Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người. Cố gắng làm nhanh, làm tốt và sớm xây dựng xong Lăng để đồng bào ta có thể viếng và chiêm ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1971.

II. Mọi công tác có liên quan đến thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thể hiện được sự trong sáng và đức tính giản dị, gần gũi quần chúng của Người.

III. Cần thấu suốt, nắm vững và đáp ứng những yêu cầu sau đây trong công tác thiết kế Lăng:

1. Bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, v.v.

2. Thể hiện được tính cách hiện đại mà vẫn giữ màu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị.

3. Bảo đảm được sự thuận tiện cho nhân dân, cán bộ và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục, bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình.

4. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở khu Ba Đình lịch sử.

IV. Xúc tiến ký Hiệp nghị với Liên Xô về việc Liên Xô giúp ta giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người….

CHƯƠNG V: NGÀY, ĐÊM TRÊN QUẢNG TRƯỜNG BA ĐÌNH

 

 

1. Ngày 28 tháng 1 năm 1973, tin kí kết Hiệp định Pa-ri được công bố trên Đài tiếng nói Việt Nam. Ở nơi sơ tán, cán bộ chiến sĩ Đoàn Ba Đình rất xúc động, có người nhảy cẫng lên reo hò, có người chạy ào tới ôm ghì bạn tỏ niềm vui sướng, có người giữ khư khư chiếc đài bán dẫn, nghe đi nghe lại chị phát thanh viên, nghẹn ngào nước mắt… Bên cạnh niềm vui chung của dân tộc, anh em còn có niềm xúc động riêng dào dạt. Sau bao đêm không ngủ, nhìn về Hà Nội thấy cảnh bom đạn nổ, lửa cháy, máy bay giặc gầm rú, lòng mỗi người như se lại, ai cũng muốn được chia lửa với đồng bào và đồng đội. Ai cũng muốn sớm được về Hà Nội tiếp tục phần công việc còn dang dở của mình. Hôm nay, nguyện vọng đó đang được khơi nguồn.

Đúng 10 giờ sáng, đơn vị được lệnh hành quân gấp về Thủ đô. Dọc đường, trên các ngọn cây, trên các nóc nhà, cột đèn… cờ đỏ sao vàng, cờ nửa xanh, nửa đỏ phấp phới bay. Cờ trên các ô tô, cờ trên xe đạp… từng đoàn chạy trên đường.

Ban phụ trách xây dựng Lăng họp ngay tối 29 tháng 1 năm 1973. Đồng chí Đỗ Mười sau khi truyền đạt chỉ thị của đồng chí Trường Chinh, đã nhắc nhở các lực lượng xây dựng Lăng "Không cho phép nghỉ ngơi. Không cho phép chậm trễ". Việc chuẩn bị lực lượng lúc này vô cùng bức xúc. Ngoài nhân lực của Bộ Xây dựng, Nhà nước sẽ lấy thêm người ở các ngành, các địa phương. Lực lượng lắp đặt máy móc thiết bị do Bộ Quốc phòng đảm nhiệm, nếu thiếu người có thể huy động thêm ở các ngành và địa phương khác. Nhà nước sẽ gửi Công hàm đề nghị Liên Xô nối lại mọi công việc xây dựng Lăng như đã thoả thuận trước đây.

Trong không khí tràn ngập chiến thắng, cả guồng máy được khởi động lại hối hả. Mọi người bắt tay vào việc với những suy nghĩ, tìm tòi để đạt được hiệu suất chất lượng cao nhất, bù lại thời gian đã mất.

…………………….

Công tác tuyển chon người ở các quân chủng, binh chủng được đẩy mạnh. Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu cho các quân chủng, binh chủng, có trách nhiệm tuyển chọn, bảo đảm đúng tiêu chuẩn đã đề ra.

……………………

CHƯƠNG VI: ĐÓN BÁC VỀ LĂNG

 

 

 Mùa xuân năm 1975, một mùa xuân mãi mãi đọng lại trong ký ức của mỗi người dân, mỗi người lính một dấu son chói lọi. Cả đất nước đã chuyển mình trong mùa xuân lịch sử ấy. Đó cũng chính là mùa xuân thứ sáu của những chiến sĩ đảm nhận trước dân tộc một sức mệnh đặc biệt: giữ gìn và bảo vệ thi hài Bác. Khu đồi 84 sau sáu năm kể từ khi Đoàn 69 ra đời đã thực sự trở thành một khu vườn đầy hoa trái, thanh tịnh và thoáng đãng. Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, từ khu căn cứ K2 trở về, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã khẩn trương củng cố và xây dựng đơn vị.

Giữa lúc trên Quảng trường Ba Đình, nhịp độ xây dựng Lăng Bác cứ mỗi ngày một dồn dập, khẩn trương thì ở K84 các chuyên gia cùng các cán bộ, chiến sĩ trong toàn đoàn cũng liên tiếp triển khai mọi công tác, luyện tập phương án đảm bảo kỹ thuật và an ninh để chuẩn bị cho đợt di chuyển cuối cùng: đón Bác về Lăng. Song song với công tác luyện tập các phương án đảm bảo trong hai năm 1974 - 1975, các chuyên gia cùng với những cán bộ chuyên môn của ta đã tiến hành nhiều thí nghiệm nhằm xác định những thông số, nhiệt độ, độ ẩm để áp dụng ở Lăng sau này.

…………………………..

Trải qua hơn 30 năm giữ gìn thi hài Bác và 25 năm bảo vệ, quản lý vận hành Lăng, Đoàn 969 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Những truyền thống vẻ vang của quân đội đã được Đoàn củng cố, xây đắp và phát huy với những nét đặc trưng của một đơn vị đặc biệt, làm một nhiệm vụ đặc biệt. Truyền thống vẻ vang đó được khái quát trong 16 chữ "Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo" và được thể hiện ở những nét tiêu biểu là:

- Với tấm lòng tôn kính, tin yêu và đời đời biết ơn Bác, cán bộ, công nhân viên chiến sĩ trong đơn vị luôn coi nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác và công trình Lăng của Người, tổ chức đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác là nhiệm vụ hết sức nặng nề và vinh quang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy trao cho, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng thể hiện lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với sự nghiệp giữ gìn tuyệt đối an toàn và lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình Lăng của Người, luôn luôn tận tụy phục vụ nhân dân.

……….

Thấm thoát 29 năm đã trôi qua. Bầu trời trên Quảng trường Ba Đình luôn luôn lộng gió và đầy nắng. Những dòng người từ khắp nơi liên tục về viếng Bác. Mỗi lần đến với Bác, mỗi người đều cảm thấy yên tâm bởi dung nhan Bác vẫn hồng hào, thanh thản như khi Người còn sống.

 


No comments yet. Be the first.

Others:
Mới nhất